TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn nằm trong top các địa phương thu hút nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Với dòng vốn đầu tư trực tiếp ngày càng có xu hướng tăng cùng định hướng thu hút vốn theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng cùng những sản phẩm giá trị gia tăng…, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành điểm sáng hút vốn FDI của Việt Nam.
- Hồ Chí Minh – “quán quân” thu hút FDI chất lượng
Mặc dù kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn nhưng dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn được đánh giá là điểm sáng. Tính trong 8 tháng năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh có gần 1,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký tăng thêm, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2021 và gần 310 triệu USD vốn đăng ký cấp mới, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại.
Như vậy, qua 8 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại TP. Hồ Chí Minh tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khu vực đầu tư trực tiếp FDI đóng góp hơn 15% vào ngân sách của Thành phố. Để đón dòng vốn FDI mới theo hướng “xanh”, phục vụ phát triển bền vững, chính quyền Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh chuẩn bị hệ sinh thái phù hợp, chất lượng.
Chia sẻ về sự chuẩn bị hệ sinh thái nhằm đón sóng đầu tư FDI, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các Khu công nghiệp – Khu chế xuất cho biết: “Hiện tập trung đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh nhiều nhất vẫn là lĩnh vực điện tử và công nghệ cao. Chúng tôi cũng làm thủ tục xin 600 ha đất nông trường làm khu công nghệ cao mới để việc đầu tư vào Thành phố có điều kiện phát triển tốt hơn”.
Theo các chuyên gia kinh tế, các lợi thế rõ ràng nhất của đầu tàu kinh tế là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển để thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ công nghệ cao. Thực tế trong những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh luôn tiên phong trong việc đón các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ có khả năng lan tỏa, thu hút nhiều dự án FDI chất lượng cao. Xét theo cơ cấu ngành nghề phân bổ vốn FDI của Thành phố trong 8 tháng, nhóm ngành chiếm tỷ trọng nhiều nhất là thông tin và truyền thông với gần 40%; nhóm ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cũng chiếm tỷ trọng khá cao gần 10%.
Các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố nền tảng như hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế cũng cần được chính quyền tăng cường đầu tư, cải thiện vì ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp ngoại. Để thu hút FDI hiệu quả và bền vững, TP. Hồ Chí Minh cần dựa vào nền tảng sản xuất trình độ cao – bao gồm các yếu tố như con người, khoa học công nghệ và hệ sinh thái ngành. Cụ thể là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cả về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và các đề án về khoa học – công nghệ.
Vốn FDI “đổ” vào Hà Nội tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước
- Hà Nội là một trong những “địa điểm” hấp dẫn dòng vốn FDI, nhất là trong thời điểm Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, lũy kế 8 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn đạt 141,3 triệu USD, tăng 19,4%; có 122 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 374,6 triệu USD, tăng 16%; 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 476,4 triệu USD.
Chỉ tính riêng tháng 8/2022, TP. Hà Nội có 36 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 16,4 triệu USD. Cùng với đó, có 19 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 1,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 23 lượt, đạt 5,1 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Tú – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, cho biết, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn FDI nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có của Thủ đô.
Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội, thách thức đan xen, TP. Hà Nội xác định rằng cộng đồng doanh nghiệp FDI là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô, thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới.
Do đó, thời gian tới, TP. Hà Nội định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin…
Cùng với đó, công tác xúc tiến đầu tư của Thành phố sẽ được đổi mới theo hướng gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch và gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa. Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; bám sát và hỗ trợ hoạt động của tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, để phát triển hơn nữa “năng lực” hút vốn FDI, Thành phố sẽ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu,… để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài.
BT